Quy định của pháp luật hiện hành về đo lường được quy định trong Thông tư 23:2013/TT-BKHCN, ngày 26/09/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ “Quy định về đo lường đối với các phương tiện đo nhóm 2” (là phương tiện đo được sử dụng để định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường…) thì các thiết bị quan trắc môi trường sau đây phải thực hiện kiểm định: phương tiện đo lưu lượng, nồng độ SO2, CO2, CO, NOx , bụi trong không khí, phương tiện đo lưu lượng, pH, nồng độ oxy hòa tan, độ dẫn điện, độ đục của nước, tổng chất rắn hòa tan trong nước.
Vậy kiểm đinh, hiệu chuẩn là gì? Cần phải phân biệt kiểm định và hiệu chuẩn như thế nào để trạnh tình trạng hiểu sai, gây khó khăn cho người sử dụng thiết bị khi một số nơi đòi hỏi đơn vị sử dụng thiết bị ngoài giấy chứng nhận kiểm định theo quy định còn yêu cầu cả giấy chứng nhận hiệu chuẩn cho tất cả các thiết bị.
Kiểm định (Verification) là biện pháp kiểm soát về đo lường do tổ chức kiểm định phương tiện đo được chỉ định thực hiện để đánh giá, xác nhận phương tiện đo đảm bảo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường.
Hiệu chuẩn (Calibration) là các hoạt động kỹ thuật nhằm đưa thiết bị/phương tiện đo cung cấp chính xác các giá trị đo lường.
Kiểm định là điều kiện pháp lý đối với các thiết bị đo lường nằm trong diện bắt buộc phải kiểm định trước khi đưa vào hoạt động và kiểm định định kỳ trong thời gian hoạt động của thiết bị. Chu kỳ kiểm định đã được quy định trong thông tư 23:2013/TT-BKHCN
Hoạt động kiểm định là đưa vật chuẩn/chất chuẩn đã được chứng nhận và liên kết chuuẩn để thiết bị đo đo lại trong giải đo của thiết bị. Kết quả đo lại phải nằm trong khoảng sai số cho phép. Khi đó thiết bị sẽ được dán tem và cấp giấy chứng nhận kiểm định. Nếu kết quả đo lại không đạt yêu cầu, tổ chức kiểm định đề nghị người sử dụng thiết bị phải sửa chữa/hiệu chuẩn thiết bị để kiểm định lại. Tổ chức kiểm định được Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng đánh giá và cấp phép ủy quyền.
Trong khi đó hiệu chuẩn là hoạt động thường xuyên của người sử dụng thiết bị để đảm bảo thiết bị đo luôn luôn trong tình trạng chính xác do trong quá trình hoạt động thiết bị sẽ bị sai lệch bởi tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Thí dụ: một cái cân đã được kiểm định và dán tem kiểm định nhưng trước khi cân người sử dụng cân vẫn phải chỉnh cân về 0 do núm vặn chỉnh 0 bị trôi khi di chuyển –hành động chỉnh 0 là một hành động hiệu chuẩn. Đối với những thiết bị đo lường hóa lý khác thủ tục hiệu chuẩn phức tạp hơn và phải tuân theo quy trình chặt chẽ của nhà sản xuất đưa ra. Thông thường người ta sử dụng chất chuẩn để lập đường chuẩn (lập mối tương quan giữa nồng độ chuẩn áp đặt với các đại lượng vật lý mà thiết bị đo/đếm được như cường độ dòng mA; hiệu điện thế mV; số đếm account, mật độ hấp thụ quang học Abs…) hoặc phương trình hiệu chuẩn y=f(x) cho thông số cần đo. Chu kỳ hiệu chuẩn do nhà sản xuất khuyến cáo. Ngoài ra trong quá trình sử dụng thiết bị/phương tiện đo người sử dụng phải kiểm tra lại độ chính xác bằng cách đưa vật chuẩn/chất chuẩn để đo lại. Nếu sai số vượt giới hạn cho phép thì phải tiến hành hiệu chuẩn lại. Đối với một số thiết bị quan trắc môi trường không khí tự động, chu kỳ hiệu chuẩn zero (điểm 0) theo từng giờ, chu kỳ hiệu chuẩn span (chất chuẩn) là sau 8 giờ hoạt động và được thực hiện một cách tự động. Một tổ chức dù đã được cấp chứng nhận đủ năng lực hiệu chuẩn nhưng không có tài liệu hướng dẫn sử dụng hoặc không biết sử dụng thiết bị đó thì cũng không có khả năng hiệu chuẩn được thiết bị này.
Việc cấp giấy chứng nhận kiểm định chỉ thực hiện đối với một số thiết bị/phương tiện đo lường liên quan đến trao đổi mua bán, an toàn sức khỏe, môi trường… được quy định trong TT23:2013/TT-BKHCN, còn hiệu chuẩn là hoạt động thường xuyên của người sử dụng thiết bị/phương tiện đo lường để nhận được số liệu chính xác. Viêc cấp giấy chứng nhận kiểm định là yêu cầu bắt buộc, còn việc cấp giấy chứng nhận hiệu chuẩn mang tính tự nguyện
Hiện nay một số đơn vị dùng dung dịch chuẩn thương mại như COD, TSS để hiệu chuẩn thiết bị của trạm quan trắc nước thải tự động bằng phương pháp quang phổ. Trong khi đó nhà sản xuất khuyến cáo phải sử dụng kết quả phân tích của phòng thí nghiệm để hiệu chuẩn. Thiết bị quang phổ nhúng chìm đo phổ tử ngoai-khả kiến của nước. Khi đó nó bị nhiễu/cản trở bởi hỗn hợp của tất cả chất có trong nước trong đó đáng kể là các chất màu, cặn lơ lửng (TSS) nên phải dùng kết quả phòng thí nghiệm làm chất chuẩn mới loại trừ được ảnh hưởng. Còn các chất chuẩn COD, TSS thương mại là những chất không có màu nên khi hiệu chuẩn thiết bị bằng các chất chuẩn này xong đưa vào đo thực tế kết quả sẽ bị sai số rất lớn.
Quang phổ nhúng chìm của hãng S::CAN sử dụng hai chùm tia, một chùm để đo, một chùm để so sánh, quét liên tục từ 200-720nm, sử dụng thuật toán để tách phổ nhằm bổ chính các ảnh hưởng của TSS, màu nhưng nhà sản xuất vẫn khuyến cáo sử dụng kết quả phòng thí nghiệm để hiệu chuẩn.
Hình 1 là hình ảnh thiết bị quan phổ nhúng chìm của hãng S::CAN
Hình 2 biểu thị phổ phân tử của nước trước khi bổ chính và sau khi tách phổ, bổ chính các chất tan và không tan trong nước thực hiện trong máy quang phổ nhúng chìm của hãng S:::CAN
Còn những thiết bị đo như pH có tính chọn lọc cao thì sử dụng chất chuẩn thương mại để hiệu chuẩn mà lại không dùng kết quả phòng thí nghiệm. Phòng thí nghiệm đo pH cũng dùng sensor điện hóa. Kết quả đo phụ thuộc vào độ chính xác của thiết bị, tuổi thọ của sensor. Không thể lấy kết quả của sensor đã sử dụng hơn 1 năm để đánh giá sensor vừa mới được lắp đặt.
Có một số thiết bị quan trắc môi trường tự động như bụi, lưu lượng, việc kiểm định/hiệu chuẩn gặp nhiều khó khăn vì khó có thể đầu tư được các điều kiện chuẩn để áp đặt chuẩn cho thiết bị đo. Mỗi một thiết bị đo lưu lượng khí thải ống khói được chế tạo cho một ống khói cụ thể tương ứng với điều kiện của ống khói đó (nhiệt độ, áp suất, đường kính ống khói,…). Mặt khác, nếu muốn có kết quả so sánh để đánh giá trạm quan trắc thì cấp độ chính xác của thiết bị kiểm tra phải bằng hoặc cao hơn thiết bị đo. Hiện nay có tình trạng sử dụng máy đo tốc độ gió cầm tay đo tốc độ dòng khí thải rồi nhân với diện tích ống khói để lấy giá trị chuẩn khi hiệu chuẩn thiết bị đo lưu lượng tự động.
Thiết bị đo bụi tự động được nhà sản xuất khuyến cáo sử dụng phương pháp lấy mẫu isokinetic, phân tích trọng lượng để hiệu chuẩn.
Tóm lại, hoạt động kiểm định, cấp giấy kiểm định là bắt buộc và định kỳ chỉ với một số thiết bị/phương tiện đo được quy định trong TT23:2013/TT-BKHCN. Còn hoạt động hiệu chuẩn là hoạt động của người sử dụng thiết bị trước khi đưa bất kỳ một thiết bi/phương tiện đo nào vào hoạt động và phải được thực hiện thường xuyên trong suốt quá trình hoạt động. Các văn bản pháp luật đo lường hiện hành không quy định bắt buộc phải có giấy chứng nhận hiệu chuẩn mà chỉ có tính chất tự nguyện. Việc cấp giấy chứng nhận hiệu chuẩn định kỳ chỉ mang tính hình thức mà không đi vào thực chất vì nó không được thực hiện thường xuyên, tránh tình trạng người sử dụng thiết bị cho rằng đã có giấy chứng nhận hiệu chuẩn nên trong khoảng thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận hiệu chuẩn thì không cần hiệu chuẩn nữa trong khi thiết bị/phương tiện đo đã bị sai lệch.