Kiểm định – hiệu chuẩn thiết bị đo lường

Để đáp ứng được các tiêu chuẩn của cơ quan quản lý tại Việt Nam thì các phương tiện, công cụ, trang thiết bị nói chung khi được sản xuất cần được kiểm định an toàn, bên cạnh đó một số danh mục phương tiện, thiết bị đo lường cần được hiệu chuẩn đo lường mới đáp ứng được yêu cầu chuyên môn cần độ chính xác cao.

1. Khái niệm kiểm định và hiệu chuẩn trang thiết bị là gì?

a. Kiểm định là gì?

Kiểm định (Verification) là hoạt động kỹ thuật theo một quy trình nhất định nhằm đánh giá và xác nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với yêu cầu quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (theo Luật Chất lượng Sản phẩm hàng hóa số 05/2007/QH12 ngày 21/11/2007).

Hay theo Luật Đo lường số 04/2011/QH13 ngày 11/11/2011, kiểm định là hoạt động đánh giá, xác nhận đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo theo yêu cầu kỹ thuật đo lường.

Kiểm định an toàn hay kiểm định kỹ thuật an toàn là hoạt động kỹ thuật theo một quá trình kiểm định nhằm đánh giá và xác nhận sự phù hợp tình trạng kỹ thuật an toàn của đối tượng kiểm định được quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với đối tượng kiểm định.

Kiểm định bao gồm kiểm định ban đầu trước khi đưa vào sử dụng, kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng và kiểm định sau sửa chữa. Đây điều kiện pháp lý đối với các thiết bị đo lường nằm trong diện bắt buộc phải kiểm định trước khi đưa vào hoạt động và kiểm định định kỳ trong thời gian hoạt động của thiết bị. Chu kỳ kiểm định đã được quy định trong Thông tư 23:2013/TT-BKHCN.

Hoạt động kiểm định là việc đưa vật chuẩn hoặc chất chuẩn đã được chứng nhận và liên kết chuẩn để thiết bị đo đo lại trong giải đo của thiết bị. Nếu kết quả đo phải nằm trong khoảng sai số cho phép thì thiết bị sẽ được dán tem và cấp giấy chứng nhận kiểm định. Nếu kết quả đo lại không đạt yêu cầu, tổ chức kiểm định đề nghị người sử dụng thiết bị phải sửa chữa hoặc hiệu chuẩn thiết bị để kiểm định lại. Các tổ chức muốn thực hiện các hoạt động kiểm định đều phải được Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng đánh giá và cấp phép ủy quyền.

b. Hiệu chuẩn là gì?

Hiệu chuẩn (Calibration) là hoạt động xác định, thiết lập mối quan hệ giữa giá trị đo của chuẩn đo lường, phương tiện đo với giá trị đo của đại lượng cần đo (theo Luật Đo lường số 04/2011/QH13 ngày 11/11/2011). Trong đó:

– Chuẩn đo lường là phương tiện kỹ thuật để thể hiện, duy trì đơn vị đo của đại lượng đo và được dùng làm chuẩn để so sánh với phương tiện đo hoặc chuẩn đo lường khác.

– Phương tiện đo là phương tiện kỹ thuật để thực hiện phép đo.

– Phép đo là tập hợp những thao tác để xác định giá trị đo của đại lượng cần đo.

Sau khi hiệu chuẩn, nếu thiết bị đo lường không đảm bảo yêu cầu đo lường theo các tiêu chuẩn đề ra thì thiết bị cần được sửa chữa, căn chỉnh lại. Công việc này gọi là hiệu chỉnh (Adjustment), nhằm mục đích đưa thiết bị đo hoạt động chính xác trở lại để khi thực hiện tiếp việc hiệu chuẩn sẽ đạt yêu cầu. Trong giấy chứng nhận hiệu chuẩn sẽ ghi rõ giá trị sai số (Error). Nếu lấy ngược dấu, sai số sẽ là số hiệu chính (Correction), là giá trị cộng đại số vào kết quả của phép đo để bù sai số hệ thống.

Hoạt động hiệu chuẩn là hoạt động thường xuyên của người sử dụng thiết bị để đảm bảo thiết bị đo luôn luôn trong tình trạng chính xác do trong quá trình hoạt động thiết bị sẽ bị sai lệch bởi tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.

Đối với những thiết bị đo lường hóa lý, thủ tục hiệu chuẩn khá phức tạp và phải tuân theo quy trình chặt chẽ của nhà sản xuất đưa ra. Ta sẽ sử dụng chất chuẩn để lập đường chuẩn (lập mối tương quan giữa nồng độ chuẩn áp đặt với các đại lượng vật lý mà thiết bị đo/đếm được như cường độ dòng mA; hiệu điện thế mV; số đếm account, mật độ hấp thụ quang học Abs…) hoặc phương trình hiệu chuẩn y=f(x) cho thông số cần đo. Chu kỳ hiệu chuẩn do nhà sản xuất khuyến cáo. Ngoài ra trong quá trình sử dụng thiết bị/phương tiện đo người sử dụng phải kiểm tra lại độ chính xác bằng cách đưa vật chuẩn/chất chuẩn để đo lại. Nếu sai số vượt giới hạn cho phép thì phải tiến hành hiệu chuẩn lại.

2. So sánh điểm giống và khác nhau giữa kiểm định và hiệu chuẩn

Để hiểu rõ sự giống và khác nhau của kiểm định và hiệu chuẩn, ta có thể theo dõi bảng so sánh sau đây:

Nội dungKiểm địnhHiệu chuẩn
Giống nhauLà việc so sánh các phương tiện, công cụ, thiết bị đo lường với chuẩn để đánh giá sai số và các đặc trưng kỹ thuật, đo lường khác của phương tiện đo đó.
Tính bắt buộc theo pháp luật– Mang tính pháp lý bắt buộc.

– Các tiêu chí đánh giá phải đáp ứng được yêu cầu. Phải tuân thủ đúng quy trình cũng như thời hạn kiểm định.

– Không mang tính bắt buộc.

– Các tiêu chí sẽ được đánh giá theo yêu cầu của tiêu chuẩn ISO được cấp.

Kết quả thực hiện– Kiểm định đạt yêu cầu sẽ được dán Tem kiểm định hoặc được cấp Giấy chứng nhận kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước hay các tổ chức được ủy quyền kiểm định nhà nước.

– Kết quả có giá trị pháp lý trong toàn bộ lãnh thổ của quốc gia.

– Hiệu chuẩn đạt yêu cầu sẽ được cấp Giấy chứng nhận kết quả hiệu chuẩn và Tem hiệu chuẩn.

– Giấy hiệu chuẩn sẽ có đầy đủ kết quả sai số, tuy nhiên có đạt yêu cầu sử dụng hay không thì tuỳ thuộc yêu cầu mục đích sử dụng, trừ trường hợp nếu sai số quá lớn sẽ không được cấp giấy hiệu chuẩn.

– Sau khi hiệu chuẩn thiết bị đo lường nhiệt hay khối lượng, cần cộng số hiệu chính (offset) vào kết quả đo.

Quy trình thực hiệnQuy trình kiểm định do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hànhQuy trình hiệu chuẩn thông thường do đơn vị chứng nhận soạn thảo và được thẩm duyệt khi đăng ký tổ chức hiệu chuẩn theo Nghị định số 105/2016/NĐ-CP
Thời hạnThời hạn kiểm định định kỳ mỗi loại thiết bị được quy định rõ trong các Thông tư của BKHCN, thường từ 01 đến 05 năm tùy loại thiết bị đo.Thời hạn hiệu chuẩn được thực hiện theo khuyến cáo của NSX hoặc SOP của đơn vị sử dụng, thường là 12 tháng.
Vai tròXác định, xem xét sự phù hợp của phương tiện, thiết bị đo lường so với yêu cầu pháp lý có đạt các chỉ tiêu kỹ thuật cụ thể hay không.– Đảm bảo sự hiển thị số đo của một phương tiện đo phù hợp với các phép đo khác.

– Xác định độ không đảm bảo đo của phương tiện đo.

– Thiết lập sự tin cậy của phương tiện đo.

3. Quy định quản lý nhà nước về kiểm định và hiệu chuẩn thiết bị

Hiện nay, về mặt quản lý nhà nước ta đã ban hành các quy phạm pháp luật, cơ sở pháp lý nhằm quản lý các tiêu chuẩn về kiểm định và hiệu chuẩn của công cụ, thiết bị.

Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT ban hành ngày 30/06/2021 quy định về kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường bắt đầu có hiệu lực vào ngày 16/08/2021.

Quy định của pháp luật hiện hành về đo lường được quy định trong Thông tư 23:2013/TT-BKHCN, ngày 26/09/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ “Quy định về đo lường đối với các phương tiện đo nhóm 2” là phương tiện đo được sử dụng để định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường…

Thông tư 07/2019/TT-BKHCN “Sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 23/2013/TT-BKHCN” thì các thiết bị quan trắc môi trường sau đây phải thực hiện kiểm định: phương tiện đo lưu lượng, nồng độ SO2, CO2, CO, NOx, bụi trong không khí, phương tiện đo lưu lượng, pH, nồng độ oxy hòa tan, độ dẫn điện, độ đục của nước, tổng chất rắn hòa tan trong nước.

Việc cấp giấy chứng nhận kiểm định chỉ thực hiện đối với một số thiết bị/phương tiện đo lường liên quan đến trao đổi mua bán, an toàn sức khỏe, môi trường… được quy định trong Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN và Thông tư 07/2019/TT-BKHCN, còn hiệu chuẩn là hoạt động thường xuyên của người sử dụng thiết bị/phương tiện đo lường để nhận được số liệu chính xác. Việc cấp giấy chứng nhận kiểm định là yêu cầu bắt buộc, còn việc cấp giấy chứng nhận hiệu chuẩn mang tính tự nguyện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *